Thông tin lý luận Thông tin lý luận
Cách mạng tháng Tám và sự “đổi đời” của thiếu nhi Việt Nam

 

 

Lâu nay, khi nhắc đến Cách mạng tháng Tám, chúng ta đều nghe đến sự thay đổi vận mệnh của toàn thể nhân dân Việt Nam. Điều đó hoàn toàn đúng. Trong đó, có một đối tượng đặc biệt thực sự đã được “đổi đời”, đó là các thiếu nhi - những người trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng vào năm 1945 – để rồi họ trưởng thành và trở thành những chủ nhân của đất nước mươi năm sau đó. Nhiều người trong số này đã phát triển thành những nhân tài, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, cho dân tộc.

Trong bài thơ Trẻ con, đăng báo Việt Nam độc lập, số ngày 21/9/1941, Hồ Chí Minh đã viết:

Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng.

Học hành, giáo dục đã không,

Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa.

Sức còn yếu, tuổi còn thơ,

Mà đã khó nhọc cũng như người già!

Có khi lìa mẹ, lìa cha,

Đi ăn ở với người ta bên ngoài.

Vì ai mà đến thế này?

Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn!

Khiến ta nước mất, nhà tan,

Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa…”.

Còn trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng đôi lần nhắc đến những chi tiết có liên quan đến tình cảnh của trẻ em: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”; “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”; “Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”… Nhiều tác phẩm khác của Hồ Chí Minh cũng đã tố cáo tội ác của thực dân, phát xít đối với trẻ em.

Một trong những hậu quả rất nặng nề dành cho trẻ em là do các chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, sau đó là phát xít Nhật, là nạn đói khủng khiếp vào năm 1945. Nhiều tài liệu về sự kiện này đã ghi lại hình ảnh những trẻ em nhay vú mẹ đã chết; người đi lĩnh chẩn bế đứa con trên tay nhưng con đã chết; có đứa trẻ còn thoi thóp đã bị vứt lên xe bò chở xác cùng với người mẹ đã chết để đem vứt ra bãi tha ma…

Trong cuốn Chuyện cũ Hà Nội, nhà văn Tô Hoài kể lại, trong nạn đói, trẻ em bị rẻ rúng, được đưa đi buôn bán như món hàng: “Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ”…

Có thể thấy, trong cái nhục, cái khổ chung của dân tộc trong hoàn cảnh bị mất nước thì trẻ em là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Vì vậy, khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời thì một trong những chủ thể được thụ hưởng nhiều thành quả hơn cả chính là trẻ em.

Ngay khi thành lập nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung vào 3 hoạt động chống giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bài toán chống giặc đói được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ miền Nam ra miền Bắc, từ cá nhân đến toàn xã hội, từ hoạt động ngắn hạn đến các chính sách dài hạn... Nhờ vậy, ngay cuối năm 1945, tình hình đói kém được khắc phục cơ bản, sang năm 1946, sản xuất được phục hồi, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, không chỉ vượt qua được nạn đói mà còn góp phần tích lũy và phục vụ kháng chiến từ cuối năm 1946.

Về chống giặc dốt, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 17-SL, thành lập Nha Bình dân học vụ, quy định nhiệm vụ là lo việc học cho nhân dân; Sắc lệnh số 19-SL, quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học; Sắc lệnh số 20/SL, ban bố việc học chữ Quốc ngữ là "bắt buộc và không mất tiền", hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ… Trong hai cuộc “chống giặc” này, trẻ em được quan tâm, chăm lo, bảo vệ, nhờ đó khi đến tuổi trưởng thành đã trở thành người chủ của đất nước.

Còn cuộc chống giặc ngoại xâm, ngay trong tháng 9/1945, phong trào Nam tiến đã đưa hàng ngàn thanh niên miền Bắc vào Nam bộ chiến đấu chống thực dân Pháp tái xâm lược. Chiến tranh tuy ngày càng ác liệt và lan rộng ra cả nước nhưng cũng từ đó, tinh thần yêu nước được hun đúc trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có thiếu niên, nhi đồng, để rồi trong những năm kháng chiến chống Pháp sau đó, chính lực lượng này đóng vai trò quan trọng để chúng ta giành thắng lợi sau cùng.

Nếu lấy tuổi thiếu niên, nhi đồng ở cột mốc năm 1945 là những người sinh từ khoảng từ năm 1930 thì nhìn vào danh sách các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những người đại diện tiêu biểu cho một thế hệ, trong độ tuổi này rất nhiều. Chẳng hạn, anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn (1931 – 1953), người nổi tiếng với câu chuyện lấy thân mình làm giá súng; anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan (1930 – 1951), người nhảy lên xe tăng, ném lựu đạn vào buồng lái để tiêu diệt xe; anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội (1932 – 1947), chiến sĩ Đội Thiếu niên Cứu quốc Thủ đô; anh hùng La Văn Cầu (sinh năm 1932), nổi tiếng với chuyện chặt cánh tay phá đồn địch; anh hùng liệt sĩ Bành Văn Trân (1933 – 1967), người nổi tiếng với trận tập kích sân bay Tân Sơn Nhứt đêm 2/12/1966, phá hủy 200 máy bay hiện đại, hàng chục xe quân sự, tiêu diệt và làm bị thương 400 sĩ quan và binh sĩ Mỹ, 250 sĩ quan và binh sĩ; anh hùng liệt sĩ Đồng Đen (1939 – 1967), người tham gia trận kích ở ngã tư Bảy Hiền, diệt 68 xe quân sự Mỹ vào tháng 12/1965; anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964), người trực tiếp ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ…

Hay trong giới văn nghệ sĩ, nhiều người đã trưởng thành trong chế độ mới và trở thành những “tượng đài” của nền văn học nghệ thuật nước nhà, như các nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932 – 2014), Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989), các nhạc sĩ như Hoàng Vân (1930 – 2018), Hoàng Hiệp (1931 – 2013), đạo diễn Hồng Sến (1933 – 1995), họa sĩ Lưu Công Nhân (1930 – 2017), nhà báo liệt sĩ Nguyễn Mai (1930 – 1970)… Cùng rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo, tướng lĩnh, nhà quản lý… tuy sinh ra trong thời kỳ mất nước nhưng được giáo dục, trưởng thành trong thời kỳ độc lập, đã phát huy tài năng, đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.

Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nhà nước dân chủ đã có vai trò quan trọng trong việc ươm mầm những chồi non trở thành những cây to khỏe, những rừng cây cao lớn. Suốt gần 80 năm qua, rừng cây ấy đã cùng nhau xây dựng nên một Việt Nam dân ngày càng giàu, nước ngày càng mạnh, xã hội ngày càng văn minh, có vị thế ngày càng lớn, có uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. Trên nền tảng đó, những thiếu niên, nhi đồng hôm nay đang có nhiều điều kiện để trở thành những chủ nhân tuyệt vời của đất nước trong tương lai, như các thế hệ đi trước đã từng làm.

 

Theo Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố

CÁC TIN BÀI KHÁC:

Xem tin theo ngày

Ngày
Tin nổi bật Tin nổi bật
  Thăm, tặng quà cho 200 gia đình chính sách, người khuyết tât, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/12/2022)
  Hội thi văn nghệ dành cho đoàn viên, hội viên, người lao động, chủ đề "Ngời sáng niềm tin" (9/12/2022)
  Sinh hoạt chuyên đề “Tuổi trẻ Thành phố - Uống nước nhớ nguồn” tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (8/12/2022)
  2 Chi bộ cơ sở Kết nạp đảng viên mới từ đoàn viên công đoàn ưu tú (1/12/2022)
  Nhiều hoạt động và phúc lợi thiết thực dành cho thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí Minh (16/11/2022)
Hình ảnh hoạt động Hình ảnh hoạt động
Video Video