Thông tin lý luận Thông tin lý luận
KIÊN ĐỊNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là cuốn sách tập hợp 29 bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Là người đảm nhận trọng trách người đứng đầu Đảng CSVN lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc trong hơn một thập kỷ qua, đồng chí Tổng Bí thư đã tỏ rõ bản lĩnh một người kế tục xuất sắc sự nghiệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối đã gầy dựng thông qua năng lực tư duy và những hành động hết sức nghiêm túc và quyết liệt.

Đọc toàn bộ tác phẩm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng chúng ta càng thấy rõ sự kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo. 

*

1. Tác phẩm khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là con đường đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN lựa chọn một cách đúng đắn và phù hợp quy luật phát triển của nhân loại tiến bộ; là con đường ngày càng mở ra những chân trời tươi đẹp dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.

Trong những bài viết đặt ở những trang đầu của cuốn sách[1] đồng chí Tổng BÍ thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải một cách cụ thể thêm, từ đó giúp cho người đọc hiểu một cách rõ ràng về bản chất, mục tiêu và đường hướng đi lên CNXH ở Việt Nam. Nội dung trình bày cho thấy Tổng Bí thư đã kế thừa một cách đúng đắn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CNXH ở Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định: đó là một xã hội thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm[2]

2. Tác phẩm đã khẳng định và làm sáng tỏ hơn giá trị và vai trò nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay; thể hiện sự kiên định của Đảng ta đối với tư tưởng Hồ Chí Minh

Đảng ta đã nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”, đó là các vấn đề:

- Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người.

- Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

- Phát huy sức mạnh của nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc

- Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ  trang nhân dân.

- Xây dựng, phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

- Xây dựng đạo đức cách mạng

- Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Từ hiện thực phát triển của Việt Nam, Tổng Bí thư đã chứng minh rằng: Chủ nghĩa xã hội (CNXH) đang được xây dựng ở Việt Nam với tư cách là một chế độ xã hội có những đặc điểm ưu việt mang mục tiêu tốt đẹp hướng đến con người – tất cả vì con người phát triển ngày càng toàn diện. Con đường đi lên CNXH đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chọn lựa một cách sáng suốt và hoàn toàn đúng đắn vì phù hợp quy luật phát triển của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một vấn đề cốt yếu trong hệ thống các quan điểm về cách mạng Việt Nam, là một mắt xích quan trọng của vấn đề độc lập dân tộc của Việt Nam. Con đường đi lên CNXH của dân tộc ta ngày càng mở ra nhiều thêm những ánh dương tươi đẹp dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH ở Việt Nam.

Tổng Bí thư yêu cầu phải tập trung để phát huy động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các phương diện: vật chất – tinh thần, nội sinh – ngoại sinh; trong đó chú ý vấn đề nội lực có tính quyết định nhất đó là yếu tố con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Đó là con người mới biết kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống, đồng thời biết rèn luyện để hình thành những phẩm chất mới: có tư tưởng, đạo đức XHCN; có trí tuệ, bản lĩnh để làm chủ bản thân, gia đình, xã hội… Chính vì vậy, Tổng Bí thư xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là:“chăm lo cho thanh niên là trách nhiệm của Đảng và của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình”[3]. Đó cũng chính là thực hiện nghiêm túc lời di huấn của Bác Hồ phải “Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.

Nhắc lại lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người - động lực với con người - mục tiêu: con người – động lực sẽ càng mạnh, càng tốt khi con người – mục tiêu càng được chăm lo và bảo vệ chu đáo; cần phải kiên quyết đấu tranh với mầm mống phản động lực trong con người: chủ nghĩa cá nhân: “…thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” [7, tr 291]. Từ đó, Tổng Bí thư xác định “Phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng và của hệ thống chính trị”[4]; “Kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm” để chữa lành các vết thương”[5]; “Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự kỹ cương của xã hội”[6]

Về đường hướng đi lên Chủ nghĩa xã hội ờ Việt Nam. Đồng chí Tổng Bí thư  nhấn mạnh: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng”[7] - Tổng Bí thư muốn nhắc nhở chúng ta không được phép chủ quan và luôn ghi nhớ đây là một sự nghiệp vĩ đại nhưng cũng nhiều gian nan như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắn nhủ: “Chúng ta đánh thắng chế độ thực dân và phong kiến. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta ngày nay là đánh thắng lạc hậu và nghèo nàn, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho nhân dân ta có một đời sống thật sung sướng. Công cuộc ấy rất vĩ đại và cũng rất khó khăn. Nhưng toàn Đảng toàn dân ta quyết tâm thì nhất định làm được” [5, tr.125].

Do đó Tổng Bí Thư yêu cầu luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, chống chủ quan; cần chủ động hợp tác, làm bạn với bạn bè thế giới: “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với ai” [5, tr 220]; “Bất kỳ sự liên hợp hay đồng minh nào nhằm mục đích làm cho các nước giúp đỡ lẫn nhau và cộng tác thân thiện với nhau để bảo vệ độc lập, hoà bình và dân chủ đều là tốt cả” [5, tr.694]. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong điều kiện đất nước ta ngày càng mở rộng các mối quan hệ ngoại giao hợp tác ngày càng sâu rộng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Với việc khắc hoạ từ hình ảnh cây tre Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định hoạt động đối ngoại của Việt Nam hơn lúc nào hết cần luôn tỉnh táo, sáng suốt, bản lĩnh, linh hoạt để xây dựng và phát triển “trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công” – đó là một “nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”[8]

3. Tác phẩm đã chỉ rõ những nhiệm vụ cấp thiết của sự nghiệp cách mạng
Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần phải được tập trung nhiều hơn nữa. Đó là các nhiệm vụ:

- Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chính phủ với khí thế mới, nỗ lực mới.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức; lực lượng thanh niên vừa hồng vừa chuyên

- Củng cố nâng cao sức mạnh của các cơ quan nội chính; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

- Đấu tranh, phòng chống tham nhũng

- Giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ chế độ

- Xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc với các hệ giá trị tiêu biểu.

Tất cả các nhiệm vụ quan trọng được nêu ra trong tác phẩm đã thể hiện sự quán triệt sâu sắc các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “làm cho nước ta có một nền công nghiệp hiện đại, có một nền văn hoá và khoa học tiên tiến”[5, tr.125]; “không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”; “là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xoá bỏ” [8, tr 591].

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp để tạo động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được Tổng Bí thư nhắc đến đó là “Thi đua, khen thưởng”[9] theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải tổ chức thi đua. Bất cứ việc nhỏ việc to, có thi đua mọi người mới cố gắng. Phải làm cho mọi người hiểu thi đua là ích nước, lợi nhà” [6, tr. 540].

*

Tổng Bí thư đã khẳng định thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong gần một thế kỷ qua đã minh chứng sống động cho sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, một trong những minh chứng đó là: “Trong bối cảnh tình hình ở nhiều nơi trên thế giới còn phức tạp … nhưng “cộng đồng quốc tế đã đánh giá Việt Nam chúng ta là một đất nước thanh bình, là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế”[10]. Thành quả đó chính là nhờ Đảng ta nhận thức một cách đúng đắn của Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc kiên định, bảo vệ và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ cách mạng lớn lao của toàn Đảng và toàn dân ta; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên nền tảng độc lập vững chắc là một trong những nhiệm vụ để làm cho ánh sáng của Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH ngày càng rực rỡ soi sáng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.

TS Bùi Thị Ngọc Trang

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Hồ Chí Minh toàn tập (2000): tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia.

2.   Hồ Chí Minh toàn tập (2000): tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia.

3.   Hồ Chí Minh toàn tập (2000): tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia.

4.   Hồ Chí Minh toàn tập (2000): tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia.

5.   Hồ Chí Minh toàn tập (2000): tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia.

6.   Hồ Chí Minh: Về Cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật năm 1976.

 

 

 



[1] “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (trang 17 đến trang 38;  “Vững bước đi lên CNXH, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc” (trang 39 đến trang 66); “Kế tục sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” (trang 228 đến trang 241)

[2] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.21.

[3] TBT trang 313

[4] Tên của bài viết từ trang 390 đến 413.

[5] Tên của bài viết từ trang 144 đến 156.

[6] Tên của bài viết từ trang 119 đến 143

[7] Trang 136

[8] Trang 178

[9] Bài viết từ trang 414 đến 424

[10] Trang 452

CÁC TIN BÀI KHÁC:

Xem tin theo ngày

Ngày
Tin nổi bật Tin nổi bật
  Thăm, tặng quà cho 200 gia đình chính sách, người khuyết tât, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/12/2022)
  Hội thi văn nghệ dành cho đoàn viên, hội viên, người lao động, chủ đề "Ngời sáng niềm tin" (9/12/2022)
  Sinh hoạt chuyên đề “Tuổi trẻ Thành phố - Uống nước nhớ nguồn” tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (8/12/2022)
  2 Chi bộ cơ sở Kết nạp đảng viên mới từ đoàn viên công đoàn ưu tú (1/12/2022)
  Nhiều hoạt động và phúc lợi thiết thực dành cho thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí Minh (16/11/2022)
Hình ảnh hoạt động Hình ảnh hoạt động
Video Video