Xác định được vai trò quan trọng của khoa học công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để nghiên cứu và sản xuất được nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao, cùng các quy trình công nghệ sản xuất thâm canh tiên tiến được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất. Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong đó Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập để trở thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong trên cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, nhằm hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững. Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã từng bước nghiên cứu thành công các quy trình kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật và đem lại hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn, đồng thời hỗ trợ chuyển giao cho nông dân, giúp nông dân cải thiện được năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thì công tác nghiên cứu và chuyển giao vẫn còn gặp một số khó khăn và trong thời gian sắp tới, Khu Nông nghiệp và phát triển nông nghệ cao tiếp tục nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, mô hình cho các hộ nông dân và doanh nghiệp.
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM ưu tiên tập trung về nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất các giống cây trồng, thủy sản phù hợp với điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh thành lân cận. Đồng thời các công nghệ cao được ứng dụng trong chọn tạo giống như tạo giống ưu thế lai F1, chiếu xạ gây đột biến, nuôi cấy mô tế bào thực vật (invitro), công nghệ chuyển gen, công nghệ chỉnh sửa gen, để lai tạo các giống hoa mới như lan kháng virus, kỹ thuật chỉ thị phân tử để tạo ra các dòng thuẩn; Ứng dụng kỹ thuật di truyền để chọn tạo các giống cây trồng, thủy sản mới; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật, công nghệ gieo ươm cây con hiệu quả để nhân các giống rau, hoa chất lượng cao phục vụ vào sản xuất; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới hệ thống tưới tự động, hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp dinh dưỡng và cảm biến trong canh tác cây rau, hoa phù hợp, tiết kiệm công lao động, tiết kiệm thời gian sản xuất tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các chế phẩm sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, góp phần giảm sử dụng chất hóa học, đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản và ô nhiễm môi trường. Kết quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng góp phần tích cực tác động giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao qua các năm gần đây. Thông qua kết quả triển khai các mô hình thử nghiệm, chuyển giao giống mới, kỹ thuật sản xuất đã khuyến cáo cho sản xuất các giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện của Thành phố, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất (cơ giới hóa, chế phẩm sinh học), kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích).
Các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý đã triển khai 416 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ. Các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đều đảm bảo đúng định hướng phát triển của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao nói riêng và định hướng phát triển lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố nói chung; đồng thời giải quyết những bất cập trong quá trình hoạt động của đơn vị và những khó khăn trong quá trình thực tế sản xuất của các doanh nghiệp đang tham gia chương trình ươm tạo tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý đã thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ và xây dựng các mô hình chuyển giao tại tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Trà Vinh,… Qua đó thúc đẩy sự hình thành nên các hình thức hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến, các sản phẩm nông sản được tiêu thụ nhanh và giá thành cao. Các Trung tâm trực thuộc Ban Quản lý cũng đã triển khai 07 dự án thuộc chương trình hỗ trợ triển khai ứng dụng Khoa học - Công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến năm 2022, các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã công bố 70 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Trong đó có 63 bài báo trên các kỷ yếu Hội nghị, tạp chí chuyên ngành trong nước; 07 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế; 07 tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia đây là các quy trình khoa học, công nghệ mới lần đầu tiên ở khu vực phía Nam, 01 sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc, 04 giống công nhận tiêu chuẩn cơ sở và 07 chế phẩm vi sinh được Sở Nông nghiệp công nhận hợp quy. Các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã xây dựng được hơn 60 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các đối tượng dưa lưới, dưa leo cà chua bi, bầu bí, rau ăn lá; mô hình trồng hoa lan; công nghệ sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; mô hình nuôi và quy trình trồng một số loài thủy sản nước mặn, nước lợ; mô hình sản xuất giống cá cảnh…
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, công nghệ cảm ứng, công nghệ tự động và internet, hiện nay tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã tiếp nhận và nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động bằng Internet vạn vật (IoT) trong trồng nấm ăn và thủy sản nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm công lao động, giúp ổn định năng suất và chất lượng sản phẩm tạo ra, đặc biệt là chủ động trong sản xuất, không phụ thuộc mùa vụ và thời tiết; giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công nghệ này được ứng dụng vào nuôi trồng nấm cho phép việc điều chỉnh tự động các thông số của môi trường nhà trồng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triến của Nấm nhờ sự ghi nhận của các cảm biến (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và nồng độ CO2). Người dùng có thể quan sát và theo dõi thông tin bên trong nhà trồng nấm qua giao diện website, IP camera. Đồng thời, phần mềm cũng tự động phân tích dữ liệu và đưa ra giải pháp điều khiển thiết bị phù hợp.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp góp phần giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ nhà kính, tưới nhỏ giọt, công nghệ đèn LED, công nghệ cảm ứng, internet vạn vật... vào sản xuất giúp người sản xuất chủ động trong kế hoạch sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, tránh được rủi ro thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Các trung tâm trực thuộc Ban Quản lý đã thực hiện chuyển giao chuyển giao cây, con giống chất lượng cao cho 26 đơn vị, cá nhân có nhu cầu và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho 58 đơn vị, cá nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình …. Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể từng bước cận tiếp cận các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Ban Quản lý Khu NNCNC cũng đã triển khai các hoạt động hợp tác giữa Ban Quản lý Khu NNCNC với 3 huyện (Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ) và Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao Phú Yên xây dựng 10 mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong dân. Các mô hình, nhiệm vụ chuyển giao công nghệ được tổng kết, đánh giá đạt theo đúng tiêu chí ban đầu đề ra. Qua việc phối hợp thực hiện các mô hình đã giúp các doanh nghiệp nắm bắt được công nghệ, triển khai và nhân rộng mô hình, hoàn toàn có thể tự chủ vận hành mô hình sản xuất đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, năng suất ổn định và bền vững.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm và mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Hoạt động nghiên cứu thực nghiệm, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác, chọn lọc, lai tạo, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân là một trong những nhiệm vụ then chốt không chỉ của Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao nói riêng mà là của các Sở, Ban, Ngành làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai, tạo ra nhiều giống cây, con, thủy sản, các quy trình kỹ thuật canh tác và các nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà quản lý, nghiên cứu viên, đồng thời tích cực chuyển giao quy trình, tập huấn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình canh tác, nuôi trồng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao
Tại An Giang: công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Phan Nam (Quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi (Solanum lycopersicum L.) nhóm sinh trưởng vô hạn trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt), Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang (Quy trình nuôi trồng nấm mối đen); Tại Kiên Giang: công ty Bia Kiên Giang (Quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi (Solanum lycopersicum L.) nhóm sinh trưởng vô hạn trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt); Tại Đồng Tháp: công Ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Đặng Lê Gia (Quy trình kỹ thuật trồng ớt cay (Capsicum frustescens L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt); Tại Hậu Giang: công ty TNHH MTV HG farm Công nghệ cao (Quy trình kỹ thuật trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng); Tại Long An: Công ty CP ĐT và PT Nông nghiệp Công nghệ cao Long An (Quy trình kỹ thuật trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng), Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Long An (Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt: Taki, Takeda, Taka, AB, seaweet; Kim hoàng hậu, Hoàng kim); Tại Sóc Trăng: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công Nghệ Sóc Trăng (Quy trình kỹ thuật trồng một số loại rau ăn lá: cải bẹ xanh (Brassica juncea L.), cải ngọt (Brassica integrifolia L.), cải xà lách (Nasturtium officinale L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt); Tại Bến Tre: Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật (Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt: Taki, Takeda, Taka, AB, seaweet; Kim hoàng hậu, Hoàng kim); Tại Vĩnh Long: Hộ dân ông Trương Tuấn Anh Vườn hoa lan Thùy Anh – 167/13 Ấp Phước Bình, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, Vĩnh Long (Quy trình nhân giống lan rừng Giả hạc Dendrobium anosmum Lindl.) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật ứng dụng hệ thống ngập chìm tạm thời RITA® và nuôi cây ở điều kiện ánh sáng tự nhiên” để cung cấp cây giống lan Giả hạc Cấy mô); Tại Tiền Giang: Trung tâm CNSH Tiền Giang (Quy trình trồng lan Mokara cắt cành); Tại Tây Ninh: Sư Đoàn BB5 –QK7 (Quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi (Solanum lycopersicum L.) nhóm sinh trưởng vô hạn trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; Quy trình kỹ thuật trồng ớt cay (Capsicum frustescens L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt); Tại Bình Thuận: Công Ty TNHH Dương Thuận Phát Bình Thuận (Quy trình kỹ thuật trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng); Tại Đồng Nai: Sư Đoàn 302-QK7 (Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt: Taki, Takeda, Taka, AB, seaweet; Kim hoàng hậu, Hoàng kim), Công ty Gol Long Thành (Quy trình kỹ thuật trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng ); Tại Phú Yên: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Yên (Mô hình sản xuất nhân giống và nuôi trồng nấm hoàng đế, nấm mối đen, Quy trình kỹ thuật trồng một số loại rau ăn lá: cải bẹ xanh (Brassica juncea L.), cải ngọt (Brassica integrifolia L.), cải xà lách (Nasturtium officinale L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt); Tại Huế: Công ty TNHH Tiền Phong (Quy trình trồng lan Hồ điệp); Tại Quảng Bình: Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam - VNP (Quy trình kỹ thuật trồng một số loại rau ăn lá: cải bẹ xanh (Brassica juncea L.), cải ngọt (Brassica integrifolia L.), cải xà lách (Nasturtium officinale L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt); Tại TP.Hồ Chí Minh: Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Cơ Công nghệ cao Phước Hạnh (Mô hình sản xuất giống cá chép Koi kiểu hình Taisho Sanshoku); Hợp tác xã Thuận Yến (Chuyển giao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE); Hộ dân ông Đinh Quang Soạn Khu Ba Gậy, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh (Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT)…..
Mô hình kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng; Mô hình ớt cay; Mô hình kỹ thuật trồng rau ăn lá; Mô hình kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng; Mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP; Mô hình kỹ thuật trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu; Mô hình nuôi cua thương phẩm 02 giai đoạn; Mô hình kỹ thuật trồng hoa lan Mokara cắt cành; Mô hình kỹ thuật trồng rau nuôi cá (AQUAPONIC)