Thông tin lý luận Thông tin lý luận
BÀI VIẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ - TÁC PHẨM LUẬN GIẢI SÂU SẮC VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA DÂN TỘC

 

TÓM TẮT:

Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[1]. Những thành tựu đạt được trên con đường xây dựng xã hội mới đã và đang tạo ra tầm vóc mới, vận hội mới để đất nước ta tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, những khó khăn bên ngoài và bên trong nước vẫn đang đặt ra những thách thức lớn, nhất là nguy cơ “chệch hướng” xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, sự ra đời của bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn, tiếp tục khẳng định niềm tin, ý chí, sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tác giả bài tham luận rất tâm đắc với những luận giải của Tổng Bí thư xoay quanh ba câu hỏi lớn và cũng là những vấn đề lý luận lớn, hệ trọng của cách mạng Việt Nam: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Từ khóa: chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

1. Chủ nghĩa xã hội là gì?

Khi nói về chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư đã nói tới ba khía cạnh, ba nội hàm của chủ nghĩa xã hội. Đó là chủ nghĩa xã hội như một học thuyết, một phong trào, một chế độ. Đó là cách nhìn khoa học, đa diện về chủ nghĩa xã hội. Tác giả khẳng định, “chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay”[2]. Như vậy, chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang xây dựng được dựa trên nền tảng của một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn: chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là chủ nghĩa xã hội mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cắt nghĩa rất cô đọng, giản dị và dễ hiểu: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ…Tóm lại, xã hội ngày càng tăng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”[3]. Như vậy, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một chế độ xã hội mới, ưu việt và nhân văn hơn so với các chế độ xã hội trước đó. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư tiếp tục phát triển và làm sáng tỏ mô hình xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó, cần và có điều kiện để xây dựng và đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội”[4]. Đó cũng chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhân dân ta đã lựa chọn, kiên định và theo đuổi. Mục tiêu và con đường đi ấy không phải chỉ dừng ở nhận thức mà được chuyển hóa thành những mục tiêu cụ thể gắn với sự quyết tâm cao độ, được Đảng ta nêu ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII để phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?

Đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải bây giờ mới được Tổng Bí thư nhắc đến mà đó là mô hình xã hội và con đường phát triển của dân tộc đã được Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn, quyết tâm đi theo ngay từ khi tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là sự lựa chọn tự nguyện, là mong ước của mỗi người dân Việt Nam. Thực tế lịch sử Việt Nam là minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục cho việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là thực tế chứa đựng đầy những đau khổ cùng cực mà người dân Việt Nam đã phải gánh chịu dưới xiềng xích đô hộ của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào yêu nước đã dấy lên rất mạnh mẽ. Trên khắp mọi miền đất nước đã liên tiếp nổ ra các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Đông Du, Duy Tân…song tất cả đều bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp dã man. Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm luôn cháy rực qua các phong trào yêu nước, song đều không giải quyết được vấn đề dân tộc lúc bấy giờ bởi thiếu một hệ tư tưởng khoa học, cách mạng, thiếu lực lượng lãnh đạo tiên phong với đường lối chính trị đúng đắn. Song chính từ lòng yêu nước ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, trải qua biết bao bôn ba, sóng gió phương trời Tây, Người đã gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, quyết định lựa chọn con đường đi đúng đắn cho dân tộc: con đường cách mạng vô sản. Trên con đường cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện, đã mở ra tiền đồ tươi sáng, đưa dân tộc thoát khỏi ách áp bức nô lệ của thực dân, phong kiến, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta là tất yếu, khách quan còn bởi cách mạng tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa không phải là chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như nó từng tuyên bố. C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng đánh giá rất cao vai trò lịch sử của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản: “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”[5]. Song các ông cũng dự báo sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản là tất yếu như nhau, bởi lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản là lịch sử áp bức, bóc lột, bất công, với những tội ác chồng chất và những cuộc chiến tranh đẫm máu, nó không thể là lời giải đáp cho xã hội tương lai của loài người, cho khát vọng tự do của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước đã khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[6]. Chỉ có cách mạng vô sản và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa thì nhân dân mới được hưởng hạnh phúc, tự do thực sự. Mặc dù trong nhiều năm trở lại đây, chủ nghĩa tư bản có sự phát triển mạnh mẽ do biết tự điều chỉnh và thích ứng, tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số các dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc”[7]. Tổng bí thư đã lấy dẫn chứng về phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” – “99 chống lại 1” ở đầu bài viết: “Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới ¾ nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó, chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào “99 chống lại 1” diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản”[8]. Bằng ngòi bút sắc bén, lập luận đầy sức thuyết phục, có tính chiến đấu cao, tác giả đã vạch trần hệ quả tiêu cực của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, dân chủ đa nguyên khi cho rằng: Thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, của các nền dân chủ đa nguyên khiến cho bất công xã hội ngày càng gia tăng, xung đột xã hội bùng nổ ở nhiều nước, suy thoái môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Chủ nghĩa tư bản tự thân nó không thể giải quyết được các vấn nạn, các khuyết tật nêu trên, mà đó là vấn đề phi tư bản chủ nghĩa, của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, cũng chính sự phát triển của chủ nghĩa tư bản với nền sản xuất lớn, với khoa học công nghệ ngày càng hiện đại…đang làm “nảy mầm” những nhân tố của chủ nghĩa xã hội.

Sự kiên định con đường xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhân dân ta đã được thử thách trong bối cảnh rất khắc nghiệt. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cuối những năm 80 – đầu những năm 90 (thế kỷ XX) ở Liên Xô và Đông Âu đã tạo nên “cơn chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Kể từ sau sự kiện chính trị này, các thế lực thù địch, những đối tượng có lập trường phi mác-xít đã vin vào sự sụp đổ này để phủ nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tung ra những luận điệu cho rằng con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là trái với quy luật lịch sử - tự nhiên, rằng cần phải “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh đó, sự sụp đổ này cũng khiến không ít người kể cả những người cộng sản hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta không phủ nhận sự sụp đổ này là bước lùi lịch sử, gây tổn thất to lớn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Song, Đảng ta vẫn luôn vững vàng niềm tin về tương lai lịch sử loài người là chủ nghĩa xã hội: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[9]. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh lại quan điểm của Đảng ta trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[10]. Như vậy, bằng những lý lẽ sâu sắc, luận cứ đầy sức thuyết phục về tính tất yếu thay thế của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản, Tổng Bí thư đã khẳng định lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, là giải pháp đúng đắn để mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

3. Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Sau khi luận giải tính tất yếu của việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư đã khái quát lại những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Những đặc trưng trên chính là mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là kết quả của hành trình nhận thức lý luận lâu dài và đúc kết thực tiễn sáng tạo sinh động của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để xây dựng thành công chế độ mới, Tổng Bí thư đã nêu lên quan điểm về sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Quan điểm trên là sự tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ hơn quan điểm của Đảng ta đã được xác định từ Văn kiện Đại hội IX rằng: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng kinh tế hiện đại”[11]. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã cố tính bóp méo, xuyên tạc việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ cho rằng việc “Đảng cộng sản Việt Nam nói về vấn đề bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là chủ quan, duy ý chí, trái với quy luật khách quan”[12]. Vì vậy, trong bài viết, Tổng bí thư đã khẳng định rõ ràng thêm nội dung và nguyên tắc của việc “bỏ qua”: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”[13]. Như vậy, theo Tổng bí thư, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua những mặt hạn chế của chủ nghĩa tư bản như bóc lột, áp bức, bất công còn những thành tựu của chủ nghĩa tư bản tạo ra là không thể phủ nhận, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Vì vậy, chúng ta phải tiếp thu một cách có chọn lọc, có phê phán, sáng tạo, tránh rập khuôn máy móc những kinh nghiệm của nước khác.

Từ việc tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư nêu lên những quan điểm định hướng về những vấn đề rất căn cốt của sự nghiệp cách mạng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định: “Chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”[14]. Đây là một vấn đề “cốt tử” trong xây dựng chủ nghĩa xã hội bởi Đảng có “vững” cách mạng mới thành công. Do đó, Đảng ta phải là đạo đức, là văn minh, xây dựng được đường lối đúng đắn, khoa học, vì lợi ích của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền đối với Nhà nước và hệ thống chính trị để làm cho những nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng chiếm ưu thế và đi đến chiến thắng trong các mặt của đời sống xã hội.

Cùng với việc đề cao những thành quả thực tiễn và lý luận mà đất nước đã đạt được qua 35 năm đổi mới, bài viết cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế và những thách thức mà ta phải đối mặt trong quá trình phát triển đất nước. Tổng Bí thư khẳng định: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”[15]. Đây là sự kiến tạo một mô hình mới về chất, không giống với bất kỳ mô hình nào trên thế giới và mang tính chất đặc trưng riêng của Việt Nam. Đó cũng là thách thức lớn nhất của Việt Nam bởi vì việc xây dựng sẽ hoàn toàn khó khăn, thách thức, không thể học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chúng ta phải tự mở đường, tự mình khai phá. Do đó, theo Tổng Bí thư, điều quan trọng nhất là phải luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới, được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại.

4. Ý nghĩa của bài viết

Bài viết thể hiện sự tâm huyết, luận giải về những vấn đề có nội dung rộng lớn rất hệ trọng của Đảng và dân tộc ta: về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với phương pháp tiếp cận khoa học, biện chứng, bài viết đã lý giải rất cặn kẽ, thuyết phục lý do vì sao dân tộc Việt Nam kiên định, kiên trì với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, tác phẩm đã mang lại cho mỗi người dân Việt Nam những nhận thức khoa học, đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin son sắt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về con đường đi tới tương lai của dân tộc ta, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho nhân dân ta. Do đó, đặt vào trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, còn nhiều thách thức từ bên ngoài và bên trong nước, bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giúp chúng ta thống nhất nhận thức, cùng chung định hướng, thấy rõ trách nhiệm và quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối không dao động, ngả nghiêng. Bên cạnh đó, tác phẩm còn thể hiện sự mẫu mực, mang tính chiến đấu cao trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), toàn tập, tập 4, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

2. Cục Tuyên huấn (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2019

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trang 69.

4. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 60, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, 13, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

6. Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.


 



[1] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 7

[2] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 18

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trang 30

[4] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 28

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), toàn tập, tập 4, trang 599

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trang 30.

[7] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 19

[8]Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 21

[9] Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trang 69.

[10] Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trang 70

[11] Đảng cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 60, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, trang 130-131

[12] Cục Tuyên huấn: Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2019, trang 26

[13] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 25

[14] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 29

[15] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, trang 36

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:

Xem tin theo ngày

Ngày
Tin nổi bật Tin nổi bật
  Thăm, tặng quà cho 200 gia đình chính sách, người khuyết tât, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/12/2022)
  Hội thi văn nghệ dành cho đoàn viên, hội viên, người lao động, chủ đề "Ngời sáng niềm tin" (9/12/2022)
  Sinh hoạt chuyên đề “Tuổi trẻ Thành phố - Uống nước nhớ nguồn” tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (8/12/2022)
  2 Chi bộ cơ sở Kết nạp đảng viên mới từ đoàn viên công đoàn ưu tú (1/12/2022)
  Nhiều hoạt động và phúc lợi thiết thực dành cho thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí Minh (16/11/2022)
Hình ảnh hoạt động Hình ảnh hoạt động
Video Video