Thông tin lý luận Thông tin lý luận
ĐẤU TRANH PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

 

TÓM TẮT:

Công cuộc phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã đạt những thành tựu bước đầu, được nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiện, với những âm mưu thâm độc, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương, phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, làm cho một bộ phận nhân dân hoài nghi vào công cuộc phòng, chống tham nhũng… Vì vậy, việc đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta đã trở thành một phong trào rộng khắp. Bài viết bước đầu cung cấp một số thông tin nhằm góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: tham nhũng; phòng, chống tham nhũng; luận điệu xuyên tạc.

 

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng. Kết quả phòng, chống tham nhũng đã dần lấy lại niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch với nhiều thủ đoạn thâm độc thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm gây hoang mang dư luận, hướng lái dư luận, từ đó có thể làm giảm hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Những luận điệu xuyên tạc tập trung vào các vấn đề sau:

- Thứ nhất: Các thế lực thù địch cho rằng, chính chế độ một Đảng cầm quyền  là nguồn gốc phát sinh tham nhũng và bản chất của chế độ XHCN là nguyên nhân nảy sinh tham nhũng.

- Thứ hai: Chúng cho rằng, một số vụ việc tham nhũng bị xử lý hiện nay chẳng qua là mị dân còn công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam không thể thực hiện được vì Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn dung túng, bao che cho tham nhũng.

- Thứ ba: Một luận điệu tiếp theo cũng hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch trong việc xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng khi chúng cho rằng, thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng, là sự đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với các luận điệu như trên, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, phản bác để bảo vệ lĩnh vực quan trọng này.

Trước hết, để đấu tranh với luận điệu cho rằng, chế độ một Đảng cầm quyền  là nguồn gốc phát sinh tham nhũng, bản chất của chế độ XHCN là nguyên nhân nảy sinh tham nhũng.

Chúng ta cần biết rằng, tham nhũng là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi”. Bản chất của tham nhũng là người có quyền lực (cả công và tư), vì nhiều lý do khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan, cố ý có những hành vi trái pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng. Như vậy, có thể khẳng định, tham nhũng phát sinh nơi nào có quyền lực và quyền lực đó không được kiểm soát được bởi chính người có quyền lực do lòng tham, do tâm lý hoặc do cơ chế không rõ ràng, giám sát, kiểm tra, xử lý không hiệu quả. Chính từ đặc điểm đó nên tham nhũng được xác định là vấn đề mang tính toàn cầu và là vấn đề quan tâm của tất cả các quốc gia.

Mục đích của các thế lực thù địch khi đưa ra luận điệu cho rằng, tham nhũng chỉ xảy ra ở các nước XHCN với một Đảng lãnh đạo thì đã rõ ràng, chúng muốn làm cho nhân dân tin rằng, tham nhũng chỉ có ở các nước xã hội chủ nghĩa và chỉ có thay đổi chế độ, thay thế sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì mới hết tham nhũng. Các thế lực thù địch cố tình phớt lờ những luận cứ chứng minh rằng tham nhũng không phải chỉ ở các nước XHCN với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nếu tham nhũng chỉ có ở các nước XHCN thì sẽ không có một sự thật rằng, Tổ chức Minh bạch quốc tế - (Transparency International - viết tắt là TI) là một phong trào toàn cầu của xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực chống tham nhũng. Tổ chức Minh bạch quốc tế do một cựu giám đốc ngân hàng thế giới cho Đông Phi - luật sư Peter Eigen và những người cùng ý tưởng thành lập. Sứ mệnh của tổ chức này xuất phát từ việc trải nghiệm những kinh nghiệm tiêu cực của luật sư Peter Eigen, khi ông còn đảm nhiệm vị trí Giám đốc ngân hàng thế giới khu vực Châu Phi, ông đã thấy yếu tố quan trọng làm cản trở sự thành công của các chương trình phát triển ở đây chính là nạn tham nhũng và ông đã cho rằng, nếu các cơ cấu tham nhũng không được xóa bỏ thì hiệu quả của các chương trình sẽ không hiệu quả. Thực tế từ khi thành lập (tháng 6/1993) đến nay, với nhiều cách thức và tiêu chí đánh giá tin cậy, hàng năm, Tổ chức Minh bạch quốc tế đều đưa ra Chỉ số cảm nhận tham nhũng của đại đa số các quốc gia và rất nhiều quốc gia đã căn cứ vào các số liệu do Tổ chức này đưa ra để đánh giá, nhìn nhận về hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng của quốc gia mình. Nhìn vào chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra năm 2021, trong đó Việt Nam đạt 39/100 điểm, xếp thứ 87/180 quốc gia được đánh giá thì chắc chắn, luận điệu cho rằng chỉ có các nước XHCN và Việt Nam là một trong số ít các nước đó thì thật là khôi hài. Thử hỏi, bao nhiêu nước trong số các nước được khảo sát, đánh giá là các nước XHCN và có thật sự các nước tư bản chủ nghĩa, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không có tham nhũng.

Để đấu tranh với luận điệu xuyên tạc tiếp theo là một số vụ việc tham nhũng bị xử lý hiện nay chẳng qua là mị dân, còn công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam không thể thực hiện được vì Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn dung túng, bao che cho tham nhũng, chúng ta cần quán triệt các vấn đề như sau:

Nói Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ xử lý một vài vụ việc để mị dân là hoàn toàn không đúng thực tế.

 Khi các thế lực thù địch cho rằng, một số vụ việc tham nhũng bị xử lý hiện nay chẳng qua là mị dân, còn công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam không thể thực hiện được vì Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn dung túng, bao che cho tham nhũng thì cần phải khẳng định ngay rằng, đó hoàn toàn là giọng điệu xảo trá. Nếu nói Đảng và Nhà nước dung túng, bao che tham nhũng thì hãy nhìn vào những con số các vụ việc tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị xử lý từ trước đến nay, đặc biệt khi nước ta thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 01/2013) để thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam có dung túng cho tham nhũng hay không. Phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt từ khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống tham nhũng mô hình mới được thành lập (tháng 01/2013) đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã có bước phát triển mới về chất. Các hoạt động nhằm phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt, thể hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn “giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều quy định của Đảng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng được ban hành bao gồm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; các văn bản về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Nhiều văn bản pháp luật được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, trong đó phải kể đến Bộ luật Hình sự, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức… Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành khẩn trương, hiệu quả với nhiều vụ án tham nhũng lớn bị đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả những người từng giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước đã phải chịu những bản án,  những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt được những tiến bộ khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng không ngừng nâng lên. Những kết quả bước đầu trong phòng, chống tham nhũng đã có tác dụng ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe đối với những người có chức vụ, quyền hạn và tạo đà để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn tiếp theo.

Có thể thấy, với những kết quả như trên, tình hình tham nhũng ở Việt Nam đang được kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Đại đa số nhân dân Việt Nam đồng tình, ủng hộ với quyết tâm của Đảng, Nhà nước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ đang được củng cố, tăng cường, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. 

Các số liệu chống tham nhũng thể hiện rõ, từ tháng 01/2013 đến tháng 7/2021, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra 12.178 vụ/20.668 bị can; truy tố 10.397 vụ/20.354 bị can; xét xử sơ thẩm 9.918 vụ/19.026 bị cáo và các tội tham nhũng, trật tự quản lý kinh tế và tội phạm khác về chức vụ[1]. Không dừng lại ở đó, nhiều vụ việc khác đang được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương và ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện với tinh thần “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.”[2]

Chúng ta không thể phủ nhận được nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gây mất niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, nhưng không thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam dung túng, bao che tham nhũng. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn công khai tình hình tham nhũng, tác hại của tham nhũng, nguyên nhân tham nhũng, cảnh báo nguy cơ tham nhũng và đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, xây dựng các thể chế pháp lý cho kinh tế thị trường, trong quản lý các dự án, chương trình phát triển của nhà nước, đất nước vừa trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nguồn lực kinh tế, con người hạn chế, vì vậy, việc phòng, chống tham nhũng ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể đáp ứng được kỳ vọng chính đáng của Nhân dân, nhưng những nỗ lực và kết quả trên đây đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong mặt trận quan trọng này. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đã đạt những kết quả tích cực, không những làm nức lòng Nhân dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ mà thế giới cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam. Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, điểm cảm nhận chỉ số tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá Việt Nam đạt 39/100 điểm, trong đó điểm 01 là mức tham nhũng cao nhất và mức 100 là không tham nhũng. So với năm 2015, Việt Nam tăng 08 điểm (năm 2015 đạt 31/100 điểm). Như vậy, sẽ là vô căn cứ và hoàn toàn bịa đặt khi cho rằng, việc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ không có kết quả do có sự dung túng, bao che của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Bất chấp kết quả nổi bật của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, các thế lực thù địch với bản chất chống phá quyết liệt đã không từ âm mưu, thủ đoạn nào. Việc tung tin công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là “cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ” là một trong những thủ đoạn ươn hèn, độc ác của các thế lực thù địch. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, chúng đang ra sức đánh lái dư luận trong nước và quốc tế, âm mưu làm dư luận hiểu sai lệch mục đích, ý nghĩa công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Cần khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta là trong sáng, công khai, minh bạch, khách quan, tôn trọng nhân dân và coi trọng dư luận; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đảng, Nhà nước, Nhân dân thống nhất một ý chí, một quyết tâm chống tham nhũng. Chống tham nhũng là chống những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái pháp luật, tức là làm trái ý chí của Nhân dân để vơ vét, tư lợi, biến của công thành của riêng, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội chứ không phải chống một nhóm người nào như lời lu loa từ miệng lưỡi của những tên không có nhân cách, thể diện.

Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là cuộc chiến trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài đồng nghĩa với cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động chắc chắn còn tiếp diễn. Vì vậy, bên cạnh việc điểm mặt, đặt tên những luận điệu xuyên tạc, viện dẫn cơ sở lý luận và thực tiễn để phản bác, hơn tất cả, chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, liêm chính cho người dân, đặc biệt người có chức vụ, quyền hạn; đẩy mạnh hơn nữa công tác rà soát, ban hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, phát hiện những kẽ hở về cơ chế để khắc phục; không ngừng tạo lập môi trường làm việc để tham nhũng không thể xảy ra; chú trọng hơn nữa việc hoàn thiện cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán… để kịp thời phát hiện tham nhũng đồng thời xử lý nghiêm minh, triệt để, chính xác các trường hợp đã phát hiện và có cơ chế để xử lý tài sản tham nhũng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, huy động nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung và người có chức vụ, quyền hạn nói riêng… Chỉ khi chúng ta thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống tham nhũng, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch chắc chắn sẽ trở nên lạc lõng, không có giá trị.

Có thể thấy, những kết quả bước đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã để lại những bài học quan trọng, đặc biệt là sự thống nhất một ý chí, một quyết tâm chống tham nhũng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Chính quyết tâm chính trị của Đảng là lời hiệu triệu lòng dân đồng lòng trong cuộc chiến cam go, phức tạp này. Kết quả của cuộc đấu tranh PCTN thời gian qua cho thấy quần chúng nhân dân và toàn xã hội đã đặt trọn niềm tin, tích cực ủng hộ ý chí quyết tâm, nỗ lực đấu tranh PCTN của Đảng... Hơn hết, đây chính là những minh chứng thuyết phục, xác đáng nhất phê phán, đả kích luận điệu của những kẻ luôn muốn gây bất ổn ở Việt Nam để phục vụ cho những mục đích đê hèn của chúng. Thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực phản bác các luận điệu xuyên tạc, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng và đó là giải pháp hữu hiệu nhất để phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

 

Ths Nguyễn Thị Lan Đan

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.


 

 



[1] Báo cáo tại phiên họp thứ 18, Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng

[2] Điều 92, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

CÁC TIN BÀI KHÁC:

Xem tin theo ngày

Ngày
Tin nổi bật Tin nổi bật
  Thăm, tặng quà cho 200 gia đình chính sách, người khuyết tât, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/12/2022)
  Hội thi văn nghệ dành cho đoàn viên, hội viên, người lao động, chủ đề "Ngời sáng niềm tin" (9/12/2022)
  Sinh hoạt chuyên đề “Tuổi trẻ Thành phố - Uống nước nhớ nguồn” tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (8/12/2022)
  2 Chi bộ cơ sở Kết nạp đảng viên mới từ đoàn viên công đoàn ưu tú (1/12/2022)
  Nhiều hoạt động và phúc lợi thiết thực dành cho thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí Minh (16/11/2022)
Hình ảnh hoạt động Hình ảnh hoạt động