Ngày 8/9, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 20-TB/TW kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Theo đó, Bộ Chính trị nêu rõ: “Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ”.
Dù về cơ bản, kết luận này áp dụng cho cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhưng có thể được áp dụng rộng rãi cho cán bộ tất cả các cấp, không chỉ ở các cơ quan đảng, đoàn thể mà còn ở các cơ quan hành chính, gắn với các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Quan điểm về cán bộ "có vào, có ra, có lên, có xuống" đã được đề cập từ nhiều năm trước, để khẳng định công tác cán bộ không phải luôn “đóng khung”, tức là đã “vào” rồi thì không có “ra”, đã “lên” rồi thì không có “xuống”, trừ các trường hợp rất đặc biệt. Từ tháng 11/2012, khi thảo luận việc ban hành nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã nêu lên ý kiến này.
Nghị quyết 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã nêu định hướng: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.
Đến cuối năm 2020, dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” của Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ cũng nêu: “Thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng “có vào, có ra; có lên, có xuống” trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; trở thành bình thường trong công tác cán bộ, nhằm khuyến khích, tạo môi trường, cơ hội cho người có triển vọng tài năng và tài năng thực sự phát triển”. Dù tập trung vào vấn đề thu hút nhân tài chứ không bàn về công tác cán bộ nói chung nhưng định hướng đó vẫn có thể áp dụng rộng rãi.
Trong nhìn nhận chung hiện nay, cán bộ có xu hướng đã được “vào” thì rất khó “ra”, đó là vào hệ thống nhà nước, vào biên chế, vào quy hoạch…; tương tự như vậy, đã “lên” thì rất khó “xuống, đó là bố trí các chức danh theo hướng đi lên hay ít nhất là đi ngang chứ khó có việc đi xuống thấp hơn, trừ khi có kỷ luật. Cách nhìn nhận này phản ánh một thực tế tồn tại khá dài trong công tác cán bộ là một sự “mặc định” là các yếu tố về uy tín, thuyết phục của cán bộ ít được quan tâm nên xảy ra hiện tượng “đến hẹn lại lên”, “sống lâu lên lão”…
Chẳng hạn, một cán bộ cấp phòng được bổ nhiệm có thời hạn 5 năm; sau đó, nếu không được bố trí vị trí khác thì sẽ làm thủ tục bổ nhiệm lại. Thông thường, việc bổ nhiệm lại khá thuận lợi, bởi trừ một số ít trường hợp đặc biệt (như từng có kỷ luật, năng lực yếu kém, phải sắp xếp lại tổ chức, bộ máy…) còn lại đa số sẽ được tiếp tục giữ chức mà ít chú ý vấn đề năng lực của cán bộ thời gian qua có xứng đáng với vị trí đó không, mức độ thuyết phục của cán bộ trong vai trò một quản lý ra sao, xu hướng phát triển của cán bộ trên cương vị này có đáp ứng được không (gắn với đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ), uy tín về tư cách, đạo đức để thực hiện tốt chức danh đó thế nào… Vì tâm lý cho rằng “đàng nào cán bộ đó cũng sẽ bổ nhiệm lại” nên ngay cán bộ công chức trong đơn vị khi bỏ phiếu tín nhiệm thường xuê xoa, dẫn đến ít mạnh dạn góp ý hoặc thể hiện chính kiến về các hạn chế, khuyết điểm của người sắp được bổ nhiệm lại.
Như vậy, với nếp cũ, cả cán bộ được bổ nhiệm, cán bộ công chức ở đơn vị và lãnh đạo cấp trên ít nhiều thể hiện sự “đã rồi”, dẫn đến ít có đòi hỏi cao ở cán bộ đó trong điều kiện mới, bản thân cán bộ cũng ít phấn đấu một cách rõ rệt.
Do đó, phương châm bộ "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ sẽ giúp các chủ thể đều có sự tích cực, năng động, phấn đấu cao hơn. Bản thân cán bộ thuộc diện được xem xét “lên, xuống” phải luôn cố gắng, thông qua việc phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, tạo sự thuyết phục với cả cấp trên và cấp dưới… Bởi không chỉ khi hết nhiệm kỳ mà ngay trong nhiệm kỳ cán bộ đó vẫn có thể bị thay thế nếu không thể hiện nỗ lực đúng mức; tương tự vậy, không chỉ việc bị đưa ra khỏi quy hoạch chức danh cao hơn mà chính chức danh đang giữ vẫn có thể bị đưa xuống thấp hơn.
Đối với cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị, mỗi người sẽ có thêm cơ hội được thay thế cấp trên mình nếu bản thân mình thể hiện rõ sự phấn đấu và khi cấp trên không được bổ nhiệm lại hoặc bị “đưa xuống”. Điều đó sẽ thúc đẩy từng cá nhân không ngừng nỗ lực để luôn khẳng định bản thân mình và để được cấp trên ghi nhận.
Đối với cấp trên, việc thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng sẽ chặt chẽ hơn, khách quan hơn. Các đánh giá, kiểm điểm hằng năm có thể sẽ thực sự công tâm, thẳng thắn hơn. Chính điều này cũng góp phần làm giảm việc “chạy” bởi cấp có thẩm quyền phải áp dụng đúng quy định trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, không chỉ bảo đảm nguyên tắc mà còn tránh bị khiếu nại, phản ánh...
Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc “vào, ra, lên, xuống” đối với cán bộ công chức trong hệ thống chính trị để thúc đẩy sự nỗ lực của các cá nhân tích cực và loại dần nhưng cán bộ không đủ chuẩn chất, không thể hiện rõ sự phấn đấu, bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của bộ máy.
Theo Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố