Thông tin lý luận Thông tin lý luận
MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA QUA TÁC PHẨM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

 

 

TÓM TẮT:

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với lập luận chặt chẽ cả về lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư đã khẳng định, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện sự đột phá về lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Nội dung bài viết góp phần hoàn thiện hơn nữa quan điểm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.

Từ khóa: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kinh tế thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội.

 

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản là tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư từ khi chuẩn bị xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay. Đây là công trình thể hiện được quá trình tổng kết một cách toàn diện và sâu sắc những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Nội dung của cuốn sách đã làm rõ hơn tính đúng đắn của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong điều kiện cụ thể Việt Nam. Trong các nội dung cuốn sách đề cập đến, vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng được đề cập, khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam về cả phương diện lý luận và thực tiễn, thể hiện ở những nội dung cụ thể sau:

Về mặt lý luận, khi trả lời câu hỏi “đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào?”, bài viết đã khẳng định chúng ta cần phải có một hệ thống giải pháp toàn diện và hoàn chỉnh. Trong đó, hai giải pháp đầu tiên được Tổng Bí thư đưa ra là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”[2]. Khẳng định này cho thấy mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành trên cơ sở tiếp thu, kế thừa giá trị của các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới, tôn trọng những quy luật khách quan của kinh tế thị trường nói chung nhưng có sự vận dụng sáng tạo phù hợp với lịch sử phát triển của nền kinh tế cũng như phù hợp với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.

Nội dung thể hiện sự đột phá về lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta được thể hiện ở quan niệm của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhìn lại quan điểm của Đảng ta qua các kỳ Đại hội cho thấy để có được quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay là cả một quá trình khó khăn, phức tạp và lâu dài. Tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã đưa ra đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, và xem đây là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đến Đại hội VII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác"[3]. Đại hội VIII tiếp tục khẳng định: phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đến Đại hội IX, Đảng ta xác định: nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xem đó là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Hội nghị Trung ương VI (khoá X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tiếp tục khẳng định rõ bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XI của Đảng (2011) có những tư tưởng, quan điểm mới. Đại hội khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4]. Đây là một mô hình kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường, một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Điều đó một lần nữa khẳng định, đây là sự lựa chọn mô hình kinh tế được hình thành trên cơ sở tiếp thu thành tựu văn minh nhân loại, mà đó còn là sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đặc điểm của Việt Nam, hình thành một mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam. Đây là cơ sở để chống lại những luận điệu xuyên tạc, muốn phủ nhận và cho rằng, mô hình kinh tế thị trường mà hiện nay Việt Nam đang xây dựng và phát triển không có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Trong bài viết, Tổng Bí thư cũng khẳng định rõ, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”. Nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang xây dựng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là mô hình kinh tế thị trường mà tính định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện rõ trên cả ba mặt sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Về đặc trưng sở hữu, bài viết khẳng định “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”[5]. Trong đó, mỗi thành phần kinh tế có vai trò khác nhau “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.”[6] Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi so sánh với các nền kinh tế thị trường khác trên thế giới. Về tổ chức quản lý, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bài viết khẳng định “Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”[7]. Về phân phối, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện nhiều hình thức phân phối “thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”[8], việc thực hiện đa dạng các hình thức phân phối cần chú ý quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển.

Một trong những nội dung thể hiện đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng và cũng là tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa so với các mô hình kinh tế thị trường khác, đó là “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”[9]. Đó là một nền kinh tế có sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện chính sách xã hội, chính sách đối với con người. Đó là nền kinh tế mà trong quá trình phát triển, yêu cầu đặt ra là phải phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, không vì tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ tiến bộ, công bằng xã hội và điều đó cần phải thực hiện ngay “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”[10] Đặc điểm này được xem là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói rằng, những luận điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã đề cập toàn diện và sâu sắc các mặt, các khía cạnh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và đã luận giải về vai trò của nền kinh tế này trong con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Về mặt thực tiễn, những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới vừa qua cũng đã góp phần khẳng định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn “Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua”[11]. Những thành tựu kinh tế - xã hội này đã củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, trong đó là đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về kinh tế, quá trình phát triển kinh tế thị trường góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 342,7 tỉ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, năm 2020 đạt 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, Việt Nam đã bảo đảm được an ninh lương thực đồng thời trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Các ngành, các lĩnh vực đều nhiều cải thiện. Về mặt xã hội, đời sống của nhân dân đã có nhiều cải thiện. Công tác xoá đói giảm nghèo được thực hiện có hiệu qủa, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Trong công tác giáo dục, Việt Nam đã thực hiện thành công phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010. Lĩnh vực y tế, văn hoá cũng có nhiều cải thiện. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, đây là chỉ số nằm trong nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Như vậy có thể thấy, trong bài viết, Tổng Bí thư đã trình bày một cách thuyết phục cả về mặt lý luận và thực tiễn của việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sự lựa chọn mô hình này là một tất yếu khách quan và cần thiết. Sự lựa chọn đó không chỉ là sự tiếp thu thành tựu văn minh nhân loại mà đó còn là sự lựa chọn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn Việt Nam, là sự sáng tạo mang tính đột phá cả về lý luận và thực tiễn trên cơ sở những kinh nghiệm thế giới và vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã góp phần ngày càng hoàn thiện hơn nữa quan điểm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn, từ đó vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

 

ThS Nguyễn Thị Kim Liên

Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

4. Hội đồng lý luận Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc, cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về chính trị trong Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

5. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

6. Tổng cục Thống kê (2021), Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016 – 2020, Nxb Thống kê.

7. Website Đảng Cộng sản Việt Nam: www.dangcongsan.vn

8. Tạp chí Cộng sản điện tử: https://www.tapchicongsan.org.vn/

 



[1] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 2022, tr.24

[2] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.25

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.95.

[4] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.26.

[5] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.26.

[6] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.26.

[7] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.26.

[8] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.26

[9] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.27.

[10] Nguyễn Phú Trọng (2022),  Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.27.

[11] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.30.

CÁC TIN BÀI KHÁC:

Xem tin theo ngày

Ngày
Tin nổi bật Tin nổi bật
  Thăm, tặng quà cho 200 gia đình chính sách, người khuyết tât, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/12/2022)
  Hội thi văn nghệ dành cho đoàn viên, hội viên, người lao động, chủ đề "Ngời sáng niềm tin" (9/12/2022)
  Sinh hoạt chuyên đề “Tuổi trẻ Thành phố - Uống nước nhớ nguồn” tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (8/12/2022)
  2 Chi bộ cơ sở Kết nạp đảng viên mới từ đoàn viên công đoàn ưu tú (1/12/2022)
  Nhiều hoạt động và phúc lợi thiết thực dành cho thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí Minh (16/11/2022)
Hình ảnh hoạt động Hình ảnh hoạt động
Video Video