Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 15/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tác phẩm không chỉ nhằm khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trên khía cạnh lý luận và thực tiễn mà còn góp phần phản bác một số nhận thức sai lầm về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về ảo tưởng của một số người đối với chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong đó, việc xác định lại những đóng góp cùng thực tiễn đầy rẫy mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản cần được lan tỏa đến đông đảo mọi người, để không ai còn thấy rằng chủ nghĩa tư bản chỉ có màu hồng và từ đó không ảo tưởng về các giá trị của nó.
Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gần như tất nhiên được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, tranh luận. Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư nêu nhận định: “Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Marx - Lenin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn sai đường, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Marx - Lenin và con đường xã hội chủ nghĩa!”.
Chúng ta biết rằng, mơ ước về một xã hội công bằng, bác ái, mọi người sống chan hòa, thân ái với nhau, không có chiến tranh, đói kém… là của loài người, từ hàng ngàn năm qua và chưa bao giờ dừng lại. Từ giữa thế kỷ XIX, trên cơ sở phân tích thực tiễn thế giới, đồng thời dựa trên các nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực, Marx và Engels đã dự báo rằng nhân loại sẽ ra đời một hình thái kinh tế - xã hội mới là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội, để thay thế cho chủ nghĩa tư bản. Hai ông đưa ra một luận điểm quan trọng về sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản do chính lực lượng trong lòng nó tạo ra, đó là giai cấp vô sản. Các ông nhấn mạnh: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.
Nhưng hiện nay, rất nhiều người thấy rằng chủ nghĩa tư bản có vẻ đang thắng thế, bản thân nó liên tục điều chỉnh và về hình thức chưa có dấu hiệu nào tỏ ra thoái trào, trong khi mô hình chủ nghĩa xã hội thì đã thất bại ở nhiều nơi. Điều đó cho thấy nhiều người không nhận ra được mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn đó là cơ sở sâu xa làm nảy sinh các mâu thuẫn khác và quy định sự vận động phát triển của xã hội tư bản.
Chúng ta đều thừa nhận rằng chủ nghĩa tư bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển từ nhiều lý do khác nhau đã có những điều chỉnh, tạo ra bộ mặt xã hội tiến bộ hơn so với trước, trong đó, chất lượng sống của người dân được cải thiện đáng kể (về y tế, giáo dục hay việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản khác). Dẫu vậy, điều đó chỉ xảy ra ở một số không nhiều các nước tư bản và nó cũng không có nghĩa rằng mọi thứ hoàn toàn tốt đẹp.
Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra”. Đó là, trong những năm 2008 - 2009, thế giới từng xảy ra khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Đó là cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa bị phơi bày khi kinh tế suy thoái, như đời sống của người dân nghèo bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Đó là phát sinh những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, làm bùng nổ các xung đột xã hội với các làn sóng biểu tình, bãi công... Đó là sự phát triển thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Đó là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại…
Từ các phân tích đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn”. Và do đó, ở các nước tư bản, nhóm thiểu số 1% dân số nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội…
Vậy nên, chủ nghĩa tư bản hiện tại đã không phải hình mẫu để nhân loại phát triển và tương lai lại càng không phải mục tiêu mà loài người hướng tới. Với những ai còn ảo tưởng về giấc mơ của chế độ tư bản chủ nghĩa nên cần được thức tỉnh.
Trong điều kiện hiện nay, việc phản bác các quan điểm sai trái về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bên cạnh phải khẳng định tính tất yếu của sự vận động xã hội thì cần làm rõ những biểu hiện phản động của chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn, các giá trị của chủ nghĩa tư bản tưởng chừng rất tốt đẹp nhưng lại phục vụ cho một nhóm nhỏ người và họ sẵn sàng hy sinh lợi ích của đông đảo nhân dân nước họ hay nhân dân các nước khác, mà sự can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào một số quốc gia có chủ quyền là thí dụ điển hình. Hay nếu bảo chủ nghĩa tư bản tốt đẹp thì chính ngay trong lòng của chủ nghĩa tư bản, người dân không ngừng đấu tranh, phản kháng bằng nhiều hình thức. Hoặc sau mỗi đợt khủng hoảng kinh tế, người ta lại nghiên cứu các trước tác của Marx và Engels nhiều hơn, hẳn họ tìm thấy trong đó “cẩm nang” để điều chỉnh chủ nghĩa tư bản để kéo dài sự sống của nó. Thậm chí, ở một số quốc gia tư bản chủ nghĩa, mô hình phát triển của họ có rất nhiều điểm tương đồng với lý thuyết và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước…
Do đó, chúng ta cần tiếp thu các tinh hoa của nhân loại, trong đó có những điểm tích cực của mô hình tư bản chủ nghĩa, nhưng không vì thế mà cho rằng chủ nghĩa tư bản chỉ có tích cực. Tương lai loài người nhất định là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; và nếu cuộc đấu tranh quyết liệt và tích cực hơn thì đích đến sẽ gần hơn!
Vân Tâm
Theo Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố