TÓM TẮT:
Đại hội XII của Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương này và được thể chế hóa bằng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách được ban hành và triển khai có hiệu quả. Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đã luận giải tính đúng đắn trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó định hướng mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân và tạo mọi điều kiện để khu vực này phát triển nhanh và bền vững. Trong giới hạn bài viết, tác giả sẽ khái quát hóa từ lý luận đến thực tiễn, từ đó đề xuất một số giải pháp để phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam mà nội dung cuốn sách đã đề cập.
Từ khóa: khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tư nhân, chủ nghĩa xã hội.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mà trọng tâm của giai đoạn 2021 - 2025 với đường lối, chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cũng như những tác động to lớn, lâu dài của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, đây cũng là khó khăn, thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội để khu vực kinh tế tư nhân có thể nhận diện, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững sau đại dịch.
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, với những thành tựu trong đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm thu nhập, v.v… Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế[1]. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã được hình thành và phát triển, đi đầu trong thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng lực cạnh tranh cao trong nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân đang đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức để trở thành một động lực quan trọng trọng nền kinh tế đã được đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017. Tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và gần đây là tại Đại hội XIII của Đảng cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.
Trong thời gian qua Chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình cải cách để phát triển nhằm nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân như: cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, xóa bỏ định kiến đối với kinh tế tư nhân, v.v. Những cải cách này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển và chuyển biến mạnh mẽ của khu vực này. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu về mặt số lượng trong khi chất lượng còn hạn chế với năng lực thấp, được thể hiện qua hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Cơ chế, chính sách cũng như việc thực thi chính sách còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển, nâng cao năng lực của khu vực này.
Đã có những nghiên cứu liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được thực hiện như Economica (2018), Ban Kinh tế Trung ương (tháng 4 năm 2019), v.v… Economica (2018) với Báo cáo “Kinh tư nhân Việt Nam: Năng suất và Thịnh vượng” cung cấp bức tranh toàn cảnh về khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2011-2015, phân tích chất lượng tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân về môi trường kinh doanh và đề xuất một số chính sách cụ thể. Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương (tháng 4 năm 2019) tập trung vào đánh giá 02 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay đã có khá nhiều thay đổi về bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế cũng như những bất định mang tính toàn cầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, v.v. đang tác động mạnh đến quá trình phát triển, nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng (tháng 1 năm 2021) đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Quốc hội 13 khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (tháng 7 năm 2021). Các bản chiến lược, kế hoạch tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng theo hướng hiệu quả và cạnh tranh hơn, có năng lực cao hơn, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, v.v… Việc thực hiện các chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tới sẽ tác động không nhỏ tới khu vực kinh tế này. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), v.v. cũng sẽ tác động tới sự phát triển và nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân.
Đặc biệt trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiến về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Đây vừa là định hướng đồng thời là mục tiêu quan trọng giúp khu vực kinh tế này hoạt động hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội Nam trong những năm tiếp theo.
Chính vì vậy, việc thực hiện nghiên cứu “Nâng cao năng lực khu vực kinh tế tư nhân lý luận và thực tiễn - một trong những định hướng quan trọng trong cuốn sách "một số vẫn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” là vô cùng cần thiết và quan trọng nhằm đánh giá tổng quan và toàn diện bức tranh năng lực thực tế của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, phân tích thực trạng và nhận diện được những vấn đề mới, tháo gỡ nút thắt khu vực kinh tế này, từ đó đề xuất giải pháp chính sách kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay.
2. Những vấn đề cơ bản về năng lực khu vực kinh tế tư nhân
2.1. Khái niệm kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế tư nhân
Trong lịch sử phát triển kinh tế, kinh tế tư nhân ra đời từ rất sớm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển hàng hóa. Về bản chất, kinh tế tư nhân đại diện cho sở hữu tư nhân. Theo Kornai János (1990)[2], khu vực kinh tế tư nhân bao gồm: (i) Hộ gia đình (một đơn vị kinh tế); (ii) Doanh nghiệp tư nhân chính thức (hoạt động theo quy định của pháp luật), từ hoạt động kinh doanh của một cá nhân đến một doanh nghiệp quy mô lớn; (iii) Đơn vị kinh doanh tư nhân phi chính thức (đơn vị kinh tế ngầm), là các hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ do cá nhân thực hiện, không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền; (iv) Bất kỳ sự sử dụng hữu ích nào tài sản của tư nhân hay tiết kiệm tư nhân (hoạt động cho thuê, cho vay). Theo Investopedia[3], khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế được vận hành bởi các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và không thuộc sở hữu nhà nước .
Tại Việt Nam, kinh tế tư nhân là một loại hình kinh tế phát triển dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do cá nhân làm chủ, hoàn toàn chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, bao gồm những đơn vị được tổ chức dựa trên sở hữu tư nhân, những hoạt động kinh tế không thuộc khu vực kinh tế nhà nước[4]. Khái niệm kinh tế tư nhân có thể tiếp cận dưới hai góc độ, thành phần kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Khi tiếp cận dưới góc độ thành phần kinh tế, kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân. Khi tiếp cận dưới góc độ hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân gồm hộ kinh doanh độc lập (cả trong nông nghiệp) và các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (Trần Xuân Châu, 2009)[5]. Hội nghị Trung ương năm khóa IX (Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002) xác định kinh tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. Đại hội X của Đảng (năm 2006)[6] khẳng định tiếp tục phát triển mạnh kinh tế tư nhân thông qua phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân.
Trong nghiên cứu này, khái niệm kinh tế tư nhân sẽ tiếp cận theo nghĩa rộng, nghĩa là theo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân đại diện cho sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là khu vực kinh tế, bao gồm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc sở hữu tư nhân trong nước, hoạt động dưới các hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh với các quy mô khác nhau (gọi chung là doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc doanh nghiệp khu vực tư nhân) và các hộ kinh doanh cá thể. Cách hiểu này sẽ được sử dụng thống nhất trong bài nghiên cứu. Thuật ngữ doanh nghiệp khu vực tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước được sử dụng thay thế nhau. phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương.
2.2. Quan điểm phát triển kinh tế tư nhân
Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) (tháng 12 năm 1986) đã có nhiều đổi mới quan trọng trong nhận thức, chỉ đạo vấn đề sở hữu, thành phần kinh tế, thừa nhận sự tồn tại khách quan của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Qua 35 năm đổi mới, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân ngày càng rõ, nhất là trong thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân.
Tại Đại hội VI của Đảng, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân được bắt đầu với việc Đảng xác định “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích lũy, mở rộng tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội...” (ĐCSVN, 2010, P.1:52-53). Đó là bước khởi đầu quan trọng đối với phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, mở đường cho những bước đột phá mạnh hơn sau này.
Đại hội VII khẳng định tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước” (ĐCSVN, 2010, P.1:334). Đặc biệt, từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII, kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển, trong đó nhấn mạnh “Bổ’ sung, sửa đổi thể chế nhằm đảm bảo cho kinh tế tư nhân được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định” (ĐCSVN, 1993:75).
Tại Đại hội VIII, kinh tế tư nhân được Đảng xác định là cần “tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài”, với điểm nhấn là “Kinh tế cá thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng, lâu dài” (ĐCSVN, 2010, P.1:677-678).
Đại hội IX khẳng định kinh tế tư nhân "có vị trí quan trọng lâu dài" trong nền kinh tế nhiều thành phần và được “khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm” (ĐCSVN, 2010, P.2:437-438). Đại hội IX cũng nhấn mạnh “mọi doanh nghiệp, mọi công dân được đầu tư kinh doanh theo các hình thức do luật định và được pháp luật bảo vệ. Mọi tổ chức kinh doanh theo các hình thức sở hữu khác nhau ho ặc đan xen hỗn hợp đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (ĐCSVN, 2010, P.2:147). Cụ thể hóa tinh thần Đại hội IX, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (ngày 18/3/2002) đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đã đánh giá “kinh tế tư nhân [...], hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước”. Theo đó, Nghị quyết đã thống nhất quan điểm “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội để phát triển kinh tế tư nhân, hàng loạt cơ chế, chính sách phải được sửa đổi, bổ sung; công tác quản lý nhà nước phải được hoàn thiện và tăng cường.
Tiếp đến, Đại hội X và Đại hội XI đã có sự phát triển quan điểm mới hơn và nhấn mạnh “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (ĐCSVN, 2011:74); "phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật" (ĐCSVN, 2011:209), "xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các lo ại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển..." (ĐCSVN, 2006:86-87), "tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình th ức hợp tác công - tư"[7], "Khuyến khích tư nhân mua cổ’ phần của các doanh nghiệp nhà nước, tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân lớn bán cổ phần cho người lao động" (ĐCSVN, 2006:237), "Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty hợp danh, hợp tác xã cổ phần"(ĐCSVN, 2011:209-210). Đại hội X cũng chỉ rõ chủ trương “Phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. Mọi công dân có quyền tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh với quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ; có quyền bình đẳng trong đầu tư kinh doanh, tiếp cận các cơ hội, nguồn lực kinh doanh, thông tin và nhận thông tin. Xóa bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, kể cả lĩnh vực kinh doanh quan tr ọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm” (ĐCSVN, 2006:86-87).
Trước thực tiễn phát triển và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, Đại hội XII đã có nhiều nhận thức mới đối với vai trò của kinh tế tư nhân cũng như những quan điểm, định hướng rõ ràng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân với khẳng định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế" (ĐCSVN, 2016:103). Cụ thể hóa tinh thần Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tiếp tục xác định một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam là phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế[8], “một lực lượng nòng cốt trong hội nhập kinh tế quốc tế”[9]. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017)[10]. Mục tiêu tổng quát đề ra là “phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, [...], sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng đề ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân[11].
Đại hội XIII (tháng 2 năm 2021) tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “phát triển kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế” và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế” (ĐCSVN, 2021).
Đặc biệt trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị Sự thật xuất bản và phát hành đã khẳng định và nâng tầm vị trí và vai trò của khu vực kinh tế này “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội[12]”. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phiên khai mạc Hội nghị Trung ương X nhấn mạnh “Về kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. "Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế"[13].
3. Thực trạng phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian qua
3.1. Năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân
Về số lượng và quy mô của khu vực kinh tế tư nhân
Khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh về số lượng với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh hàng năm; theo đó, số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân đang hoạt động cũng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011, cả nước có 312.416 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2019, con số này đã là 647.632[14] doanh nghiệp, gấp gần 2,1 lần so với năm 2011. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đạt 10,26% giai đoạn 2011-2019. Năm 2019, doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm 96,88% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trên cả nước.
Xét về mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân cho thấy có sự cải thiện đáng kể, tăng từ gần 3,2 doanh nghiệp (năm 2011) lên hơn 8,3 doanh nghiệp (năm 2020). Hay nói cách khác, tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân đã cải thiện, từ 311 người dân/doanh nghiệp (năm 2011) lên hơn 120 người dân/ doanh nghiệp (năm 2020). Tuy nhiên, khi so sánh với một số nước, tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. Việt Nam mới đạt khoảng 120 người dân/ doanh nghiệp (124 người dân/ doanh nghiệp tư nhân) thì bình quân các nước ASEAN là 80 - 100, các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, EU là 10 - 12 người dân/doanh nghiệp.
Quy mô của khu vực kinh tế tư nhân đã được cải thiện nhưng quy mô của từng chủ thể kinh tế tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Nhìn vào các doanh nghiệp khu vực tư nhân cho thấy, quy mô vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực tư nhân biến động mạnh trong giai đoạn 2011 - 2019. Theo số liệu của Tổ’ng cục Thống kê, quy mô vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tăng từ 6.875 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên 24.024,5 nghìn tỷ đồng năm 2019, gấp gần 3,5 lần (trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng hơn 2 lần và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng gần 3,4 lần). Vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm hơn nửa tổng vốn sản xuất kinh doanh của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Riêng năm 2019, vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm 59,08% tổng số vốn sản xuất kinh doanh của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Xem xét quy mô giá trị tài sản cũng cho thấy kết quả tương tự. Quy mô giá trị tài sản đã cải thiện đáng kể với tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tăng từ 2.424,3 nghìn tỷ đồng (năm 2011) lên 8.420,9 nghìn tỷ đồng năm 2019, gấp 3,47, cao hơn mức tăng tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước (tăng 2,7 lần).
Tuy nhiên, trong khu vực kinh tế tư nhân đã có xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn. Trong Danh mục 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020, có 314 doanh nghiệp tư nhân (con số này năm 2016 là 263).
Bảng 3: Doanh nghiệp tư nhân trong VNR500
| 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
TOP 500VNR | 263 | 286 | 271 | 291 | 314 |
TOP 100 VNR | 34 | 36 | 41 | 49 | 46 |
TOP 50 VNR | 11 | 16 | 17 | 18 | 18 |
TOP 20 VNR | 0 | 5 | 3 | 5 | 6 |
TOP 10 VNR | 0 | 0 | 1 | 1 | 2 |
Nguồn: http://vnr500.com.vn
Trong danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” do Forbes Việt Nam cong bố ngày 30 tháng 12 năm 2019, TOP 10 ghi nhận 5 vị trí của doanh nghiệp tư nhân (Lương Hạnh, 2021). Ngày 30 tháng 6 năm 2021, HoSE ghi nhận 4 doanh nghiệp có mức vốn hóa trên 10 tỷ USD, trong đó ghi nhận 3 cái tên từ khu vực kinh tế tư nhân, đó là Tập đoàn Vingroup, Công ty Vinhomes và Tập đoàn Hòa Phát (Hạnh Nguyễn, 2021). Asian’s 200 Best Over a Billion của Forbes (2019 Ranking)[15] ghi nhận 6 doanh nghiệp khu vực tư nhân Việt Nam như Masan Group, Thế giới Di động, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank, Vingroup. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân năng động, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đã hình thành và có những tỷ phú Việt Nam trong danh sách tỷ phú thế giới.
3.2 Kết quả đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội
- Đóng góp tăng trưởng kinh tế
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế những năm qua với tỷ trọng khá cao trong GDP. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ 2011 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, trong đó đóng góp của doanh nghiệp khu vực tư nhân có xu hướng (tăng từ 7,34% năm 2011 lên 9,65% năm 2020).
- Nộp ngân sách nhà nước
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước với mức tăng đều qua các năm. Năm 2011, thu từ doanh nghiệp khu vực tư nhân đạt 84.503 tỷ đồng (chiếm 11,71% tổng thu trong nước) thì đến năm 2020, con số này đã đạt 247.104 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần (chiếm 16,39% tổng thu trong nước). Trong khi đó, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào thu trong nước đã giảm từ 17,51% năm 2011 xuống còn 9,83% năm 2020; của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ổn định khoảng hơn 13% tổng thu trong nước.
Bảng 7. Đóng góp vào thu trong nước
của các khu vực doanh nghiệp
ĐVT: tỷ đồng |
| Thu trong nước | Thu từ DNNN | Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài | Thu từ doanh nghiệp khu vực tư nhân |
2011 | 443.731 | 126.418 | 77.076 | 84.503 |
2012 | 477.106 | 142.838 | 82.546 | 92.086 |
2013 | 563.329 | 189.069 | 111.244 | 105.455 |
2014 | 593.560 | 188.062 | 123.802 | 112.196 |
2015 | 749.560 | 159.907 | 140.979 | 129.582 |
2016 | 910.909 | 152.975 | 162.934 | 157.082 |
2017 | 1.039.192 | 147.238 | 172.166 | 181.001 |
2018 | 1.155.293 | 153.324 | 190.309 | 209.624 |
2019 | 1.273.884 | 164.975 | 210.245 | 238.317 |
2020 | 1.290.893 | 148.209 | 206.088 | 247.104 |
Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê Tổng cục Thống kê 2020
Theo Bộ Tài chính (2020), doanh nghiệp dân doanh đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Năm 2018, doanh nghiệp dân doanh đóng góp 365.422 tỷ đồng (trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước chỉ là 267.982 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn góp nhà nước là 99.729 tỷ đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 186.371 tỷ đồng). Năm 2019, nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp dân doanh đạt 415.792 tỷ đồng. Theo tính toán của Hạ Thị Thu Thủy (2021) từ Dữ liệu Điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, thuế và các khoản đã nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng mạnh qua các năm. Từ năm 2015, số thuế và các kho ản nộp ngân sách của doanh nghiệp khu vực tư nhân đã vượt doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
4. Đề xuất giải pháp nâng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong bối cảnh mới
Đấu tranh phản bác lại những luận điểm sai trái và khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân của Đảng là nhiệm vụ cấp bách. Tính đúng đắn và sáng tạo của chủ trương, đường lối này còn được thể hiện ở cơ sở lý luận và thực tiễn. qua đó tác giả có đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo định hướng mà tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong cuốn sách như sau:
Một là, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng; “Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản với tính cách là một chế độ nhà nước tư sản bóc lột giá trị thặng dư của lao động làm thuê, chứ tuyệt nhiên không xóa bỏ mọi hình thức sở hữu nói chung, trong đó có sở hữu tư nhân, nền tảng của kinh tế tư nhân”. Thể hiện sự đổi mới nhận thức, tư duy về chủ nghĩa xã hội đó là việc thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển các quan hệ hàng hóa tiền tê, phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, quan tâm tới vấn đề trao đổi giữa công nghiệp, nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt vấn đề lợi ích của người lao động được củng cố. Đó chính là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian qua, cũng như định hướng phát triển thịnh vượng Việt Nam trong nhiều năm tới.
Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về phát triển kinh tế tư nhân với luận điểm “Kinh tế tư bản của tư nhân, họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế”. Khẳng định tầm quan trọng những di sản về tư tưởng và tinh thần của người. Là tiền đề cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát huy hơn nữa, tin tưởng tuyệt đối vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng và nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách và định hướng để khu vực kinh tế tư nhân là động lực thực sự của sự phát triển, làm lợi cho quốc kế dân sinh, tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động, chứ không vì lợi ích của tư nhân.
Ba là, Trải qua các kỳ Đại hội Đảng đã khẳng định đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần trong coi kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách, đề án… được kế thừa và dần được hoàn thiện. Đại hội XIII (từ 25/01 đến 02/02/2021) của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân. Khẳng định vai trò, động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ôtô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ. Hiệu quả nổi bật của các tập đoàn kinh tế tư nhân gần đây thể hiện khá rõ điều này. Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, tuân thủ theo đúng nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó có coi trọng và phát huy kinh tế tư nhân. Song, muốn kinh tế tư nhân phát triển theo đúng quỹ đạo, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhà nước vừa phải vận dụng các công cụ kinh tế, pháp luật để quản lý, vừa phải có thực lực kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước không chỉ giữ vai trò chủ đạo, mà còn là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Bốn là, có chính sách đối xử công bẳng với khu vực kinh tế tư nhân, cần biểu dương khen thưởng kịp thời “có thể phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kì thị phân biệt đối xử “anh nào sai thì yêu cầu họ sửa” chuyển tất cả sang lĩnh vực tư nhân những việc Nhà nước làm không tốt… phát triển kinh tế tư nhân phải mang tầm chiến lược mới. Một khi đã xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” của nền kinh tế chính cũng có nghĩa là đã nhận thấy rõ trong kinh tế tư nhân còn rất nhiều tiềm năng chưa được phát huy, nhiều nguồn lực chưa được huy động và trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kinh tế tư nhân chưa hoạt động tương xứng với khả năng và nguồn lực của nó, chưa có địa vị phù hợp với đóng góp của chính nó. Vì vậy, để nâng cao năng lực khu vực kinh tế tư nhân với tư cách là một động lực phát triển của nền kinh tế nước ta thì cần phải ưu tiên ở tầm chiến lược, gắn và đặt khu vực kinh tế này trong nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có chất lượng và hiệu quả vai trò của Nhà nước trong quá trình định hướng, thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Thúc đẩy quá trình thực thi chính sách pháp luật có hiệu quả, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
5. Kết luận
Phát triển kinh tế tư nhân là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước đề ra từ Đổi mới đến nay, đặc biệt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định để tiếp nối thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước mà các Đại hội trước đã xác định “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng” Phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh là thông điệp mới và cực kỳ quan trọng để khơi dậy khát vọng làm giàu của toàn xã hội. Từ đó huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi”. Với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là động lưc khơi thông và huy hơn nữa tiềm năng lợi thế của kinh tế tư nhân, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
TS Hoàng Văn Tú
Trưởng Bộ môn Chính trị học, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tạp chí Xây dựng Đảng. (2020). “Sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân và câu chuyện phát triển Đảng”; truy cập ngày 12/02/2020.
2. Kornai János. (1990). “Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do”. NXB Tri Thức.
3. Truy cập tại:Http://www.investopedia.com/terms/p/privatesector.asp#:~:text=The%20private%20sector%20is%20the,or%20 operated%20by%20the%20government. (Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2021).
4. Lan DT, Vinh LT. Đề tài Nafosted: “Quan hệ sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, mã số I1.2-2011.14. 2011;.
5. Trần Xuân Châu. (2009). Tìm hiểu quan niệm và cách tiếp cận về kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí khoa học. Đại học Huế, số 51.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.
7. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 12 năm 2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
8. Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
9. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
10. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
11. Tạp chí Cộng Sản 2019. “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-tro-thanh-mot-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-544977.html; truy cập ngày 07 tháng 3 năm 2022.
12. Truy cập tại: https: / /www.forbes.com/asia-over-b illion/list/4/#tab :overall; truy cập ngày 07 tháng 3 năm 2022.
13. Mỹ An.(2019). “Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân”; https://vneconomy.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-dung-co-ky-thi-voi-kinh-te-tu-nhan.htm. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2019.
14. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2019.
15. Truy cập tại: https: / /www.forbes.com/asia-over-b illion/list/4/#tab :overall; truy cập ngày 7/3/2022.
16. PGS.TS Hoàng Văn Phai. (2021). “Hiểu đúng chủ trương phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay” NXB Chí trị Quốc gia sự thật, tr 236-239.
[7]Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 12 năm 2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
[8]Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
[9]Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
[10] Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
[11] Tạp chí Cộng Sản 2019. “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”; Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-tro-thanh-mot-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-544977.html; truy cập ngày 07 tháng 3 năm 2022.